Đối tác châu Âu - Oliver cung cấp công nghệ sản xuất sơn chất lượng cao, tăng sản lượng và an toàn với sức khoẻ hôm 8/10, tại Hà Nội.
Một số quy định về chuyển giao công nghệ
(1) Đối tượng công nghệ được chuyển giao
Căn cứ Điều 4 Luật Chuyển giao công nghệ 2017 quy định công nghệ được chuyển giao là một hoặc các đối tượng sau đây:
- Bí quyết kỹ thuật, bí quyết công nghệ;
- Phương án, quy trình công nghệ; giải pháp, thông số, bản vẽ, sơ đồ kỹ thuật; công thức, phần mềm máy tính, thông tin dữ liệu;
- Giải pháp hợp lý hóa sản xuất, đổi mới công nghệ;
- Máy móc, thiết bị đi kèm một trong các đối tượng nêu trên.
Trường hợp đối tượng công nghệ nêu trên được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ thì việc chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ được thực hiện theo quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ.
(2) Hình thức chuyển giao công nghệ
Việc chuyển giao công nghệ có thể thực hiện theo các hình thức được quy định tại Điều 5 Luật Chuyển giao công nghệ 2017, bao gồm:
- Chuyển giao công nghệ độc lập.
- Phần chuyển giao công nghệ trong trường hợp sau đây:
+ Chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ;
+ Mua, bán máy móc, thiết bị đi kèm một trong các đối tượng sau đây:
++ Bí quyết kỹ thuật, bí quyết công nghệ;
++ Phương án, quy trình công nghệ; giải pháp, thông số, bản vẽ, sơ đồ kỹ thuật; công thức, phần mềm máy tính, thông tin dữ liệu;
++ Giải pháp hợp lý hóa sản xuất, đổi mới công nghệ;
- Chuyển giao công nghệ bằng hình thức khác theo quy định của pháp luật.
(3) Phương thức chuyển giao công nghệ
Việc chuyển giao công nghệ có thể thực hiện theo các phương thức được quy định tại Điều 6 Luật Chuyển giao công nghệ 2017, bao gồm:
- Chuyển giao tài liệu về công nghệ.
- Đào tạo cho bên nhận công nghệ nắm vững và làm chủ công nghệ trong thời hạn thỏa thuận.
- Cử chuyên gia tư vấn kỹ thuật cho bên nhận công nghệ đưa công nghệ vào ứng dụng, vận hành để đạt được các chỉ tiêu về chất lượng sản phẩm, tiến độ theo thỏa thuận.
- Chuyển giao máy móc, thiết bị kèm theo công nghệ kèm theo các phương thức nêu trên.
- Phương thức chuyển giao khác do các bên thỏa thuận.
(4) Những hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động chuyển giao công nghệ
Những hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động chuyển giao công nghệ được quy định cụ thể tại Điều 12 Luật Chuyển giao công nghệ 2017, bao gồm:
- Lợi dụng chuyển giao công nghệ làm ảnh hưởng xấu đến quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, sức khỏe con người, môi trường, đạo đức, thuần phong mỹ tục của dân tộc; xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; hủy hoại tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học.
- Chuyển giao công nghệ cấm chuyển giao; chuyển giao trái phép công nghệ hạn chế chuyển giao.
- Vi phạm quy định về quyền chuyển giao công nghệ.
- Lừa dối, giả tạo trong việc lập, thực hiện hợp đồng chuyển giao công nghệ, hợp đồng dịch vụ chuyển giao công nghệ, nội dung công nghệ trong hợp đồng, hồ sơ dự án đầu tư.
- Cản trở, từ chối cung cấp thông tin về hoạt động chuyển giao công nghệ theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
- Tiết lộ bí mật công nghệ trái quy định của pháp luật, cản trở hoạt động chuyển giao công nghệ.
- Sử dụng công nghệ không đúng với công nghệ đã được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, cấp phép.
Trong bối cảnh hội nhập và phát triển, các quốc gia không ngừng thay đổi, đầu tư đổi mới công nghệ, nhất là những công nghệ tiên tiến để nâng cao năng lực cạnh tranh, Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng này. Chính phủ Việt Nam đã có những chính sách, chiến lược để nâng cao hiệu quả trong tiếp nhận và ứng dụng công nghệ tiên tiến nước ngoài vào sản xuất trong nước; cũng như đưa công nghệ trong nước vào thực tiễn sản xuất ở từng ngành, lĩnh vực được coi là khâu then chốt, bảo đảm phát triển nhanh và bền vững.
Ban hành nhiều văn bản pháp luật về chuyển giao công nghệ
Trong từng giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội, hệ thống pháp luật về chuyển giao công nghệ luôn được sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện nhằm đáp ứng yêu cầu của thực tiễn. Năm 1995, quy định về chuyển giao công nghệ được đưa thành một chương trong Bộ Luật Dân sự (Phần thứ VI Chương III). Năm 1988, Pháp lệnh về chuyển giao công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam được Hội đồng Nhà nước ban hành. Đây được coi là một dấu mốc quan trọng trong việc hình thành chính sách nhập khẩu, chuyển giao công nghệ của Việt Nam. Năm 2006, Quốc hội thông qua Luật Chuyển giao công nghệ. Năm 2008, Quốc hội thông qua Luật Công nghệ cao. Năm 2017, Quốc hội thông qua Luật Chuyển giao công nghệ 2017 (thay thế cho Luật Chuyển giao công nghệ năm 2006) quy định về chính sách của Nhà nước đối với hoạt động chuyển giao công nghệ, trong đó có nội dung: “Đẩy mạnh chuyển giao công nghệ tiên tiến, công nghệ cao từ nước ngoài vào Việt Nam; khuyến khích chuyển giao công nghệ từ Việt Nam ra nước ngoài; thúc đẩy chuyển giao công nghệ trong nước; chú trọng lan tỏa công nghệ tiên tiến, công nghệ cao từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sang doanh nghiệp trong nước”…
Về xúc tiến chuyển giao công nghệ (CGCN), hiện nay trong hệ thống các văn bản pháp luật về Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã có những chính sách liên quan đến việc phát triển doanh nghiệp KH&CN, như miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, ưu đãi về thuế đất, giao kết quả nghiên cứu cho doanh nghiệp KH&CN được quy định tại Nghị định số 13/2019/NĐ-CP ngày 01/02/2019 về doanh nghiệp KH&CN (sửa đổi Nghị định số 80/2007/NĐ-CP ngày 19/5/2007).
Trong hơn 10 năm triển khai thực hiện Luật Chuyển giao công nghệ, cùng với các đề án và nhiều chính sách ưu đãi, hoạt động đổi mới và chuyển giao công nghệ trong nước, ứng dụng các tiến bộ KH&CN trong sản xuất và đời sống từng bước góp phần thúc đẩy tốc độ tăng trưởng của các ngành, lĩnh vực trong toàn nền kinh tế.
Dịch vụ chuyển giao công nghệ
Các tổ chức cung cấp dịch vụ chuyển giao công nghệ ở nước ta hiện nay được tổ chức dưới hình thức các trung tâm, văn phòng, công ty, phòng thử nghiệm; bao gồm cả các đơn vị sự nghiệp công lập và các đơn vị ngoài nhà nước, có chức năng chủ yếu là phục vụ, hỗ trợ kỹ thuật cho hoạt động nghiên cứu và phát triển; hoạt động liên quan đến sở hữu công nghiệp, chuyển giao công nghệ, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, đo lường, chất lượng sản phẩm, hàng hóa, đánh giá, định giá, giám định công nghệ; dịch vụ về thông tin, thống kê KH&CN, tư vấn, đào tạo, bồi dưỡng, phổ biến, ứng dụng thành tựu KH&CN trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội. Số liệu thống kê 700 đối tượng liên quan đến các loại hình dịch vụ chuyển giao công nghệ trong nước giai đoạn 2006 - 2016 tại cho thấy, môi giới chuyển giao công nghệ là loại hình dịch vụ có nhiều đơn vị cung cấp nhất với 78,6%, tiếp đến là dịch vụ tư vấn 75%, dịch vụ xúc tiến 64,3%, trong khi đó số lượng đơn vị trung gian có thể cung cấp dịch vụ giám định công nghệ rất ít, chỉ có 25%. Các tổ chức dịch vụ khoa học và công nghệ tập trung chủ yếu ở Hà Nội (27,8%) và thành phố Hồ Chí Minh (13,2%). Số lượng các đơn vị trung gian cung cấp dịch vụ chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực y tế, chăm sóc sức khỏe (23,3%), giáo dục đào tạo (26,7%), viễn thông (15,3%), tài chính ngân hàng (10,7%).
Chuyển giao kết quả nghiên cứu tại cơ sở nghiên cứu vào ứng dụng
Trong thời gian qua, việc áp dụng các tiến bộ KH&CN đã có những đóng góp quan trọng, bảo đảm cho công nghiệp tăng trưởng liên tục ở mức 14%/năm và đóng góp hơn 30% giá trị gia tăng trong sản xuất nông nghiệp. Hiện nay, năng suất, chất lượng sản phẩm ngày càng được cải thiện do ứng dụng công nghệ cao đã được đẩy mạnh trong sản xuất. Từ khâu giống, quy trình canh tác đến chế biến, bảo quản... đều có dấu ấn của KH&CN. Cùng với đó, các trường đại học cũng có vai trò quan trọng trong nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao công nghệ, thông qua việc chú trọng đẩy mạnh nghiên cứu khoa học và xem đây là tiền đề để nâng cao chất lượng đào tạo. Nhiều đề tài nghiên cứu khoa học đã bám sát thực tiễn, có tính ứng dụng cao trong sản xuất và đời sống.
Chuyển giao công nghệ thông qua doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài
Sau 30 năm thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI), tỷ lệ tổng vốn FDI trên tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt trung bình 22 - 25%/năm. Trong giai đoạn 2006 - 2015, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có khoảng 600 hợp đồng chuyển giao công nghệ, chiếm tỷ lệ thấp (4,28%) so với 14 nghìn dự án FDI. Nguyên nhân là do các dự án FDI chủ yếu tập trung vào lắp ráp, gia công; tỷ lệ nội địa hóa thấp, giá trị tạo ra tại Việt Nam không cao. Mặt khác, các doanh nghiệp còn nhiều khó khăn để tiến hành nghiên cứu và phát triển, chỉ có 11% doanh nghiệp cho biết là đã phát triển những loại hình công nghệ mới.
Mặc dù tình hình chuyển giao công nghệ tại Việt Nam đã đạt được một số kết quả nhất định. Tuy nhiên, xét về tổng thể, trình độ, năng lực công nghệ và khả năng giải mã công nghệ của Việt Nam còn thấp. Cụ thể, tỷ lệ nhóm ngành sử dụng công nghệ cao của Việt Nam chỉ đạt khoảng 20%, trong khi tỷ lệ này của Thái Lan, Singapore và Malaysia lần lượt là 31%, 73%, 51%. Tiêu chí để đạt trình độ công nghiệp hóa, hiện đại hóa là trên 60%. Tăng trưởng kinh tế Việt Nam vẫn dựa vào thâm dụng vốn, lao động.
Quy mô các đơn vị cung cấp dịch vụ chuyển giao công nghệ còn nhỏ, chưa có uy tín cao. Điều kiện về cơ sở vật chất, tài chính phục vụ các hoạt động nghiệp vụ chưa được đảm bảo. Hiệu quả sử dụng các phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia và kết quả hoạt động của các khu công nghệ cao thấp... Đặc biệt là, các hình thức liên kết thành những mạng lưới chưa có, gây ra nhiền lãng phí về cơ sở dữ liệu thông tin từ các kho thông tin KH&CN trên toàn quốc.
Các doanh nghiệp FDI chưa tạo được mối liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp Việt Nam để cùng tham gia chuỗi giá trị, chưa thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ Việt Nam phát triển. Đồng thời, hoạt động chuyển giao công nghệ và kinh nghiệm quản lý chưa đạt kỳ vọng. Hiện nay, công nghệ mà các doanh nghiệp FDI đưa sang chủ yếu là công nghệ trung bình (80% số lượng công nghệ được chuyển giao), còn lại 14% là công nghệ lạc hậu và chỉ có 6% là công nghệ cao. Hiệu quả chuyển giao công nghệ từ doanh nghiệp FDI của Việt Nam thấp và có xu hướng ngày càng tụt hậu. Năm 2009, Việt Nam đứng ở vị trí 57, nhưng đến năm 2014, Việt Nam đã tụt xuống vị trí 103. Năm 2018, vị trí này tăng lên 89, nhưng vẫn thấp hơn nhiều nước trong khu vực. Với hạn chế trong chuyển giao công nghệ nên các doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu là các nhà “gia công” cho các doanh nghiệp FDI. Hệ quả là, giá trị gia tăng tạo ra rất thấp, dẫn đến các doanh nghiệp có rất ít khả năng cải tiến công nghệ, nâng cấp sản phẩm, chủ động tham gia chuỗi cung ứng để được hưởng lợi từ hiệu ứng lan tỏa của các doanh nghiệp FDI.
Việc áp dụng kết quả nghiên cứu và phát triển của các tổ chức KH&CN nói chung và các trường đại học nói riêng tại Việt Nam vào sản xuất - kinh doanh còn nhiều hạn chế, chỉ có khoảng 5 - 10% số đề tài nghiên cứu đã được ứng dụng vào sản xuất - kinh doanh. Tuy nhiên, những đề tài này thường rất khó gọi vốn. Nhiều đề tài sau khi ứng dụng vào sản xuất - kinh doanh mang lại lợi ích kinh tế lớn hơn nhiều lần so với kinh phí được giao ban đầu, ngược lại cũng có đề tài khi ứng dụng vào thực tiễn mang lại lợi ích kinh tế thấp hơn.